Availability Calendar

Về Hạ Long nhớ ăn đặc sản Bông Thùa

view 3600

Bông thùa là cũng giống như con sá sùng, nhưng khác Sá sùng sống ở cát, mà chúng sống ở bùn biển, người ta gọi là con bông thùa hay còn gọi là con sâu đất. Về hình dáng, chúng giống nhau, chỉ khác sá sùng thì màu trắng ngà, to hơn, còn bông thùa có màu sẫm đen, nhỏ hơn một tẹo; với sá sùng, cũng có ăn tươi, nhưng thường người ta làm sạch rồi đem phơi khô mới dùng, còn với bông thùa lại chỉ dùng để ăn tươi.

Tôi nhớ cách đây chẳng lâu mấy, vùng từ cầu Kênh Liêm vào tới Cột Tám của TP Hạ Long, suốt một dải ven biển còn là những bãi sú vẹt, sình lầy; thường gặp những người đàn bà lụi hụi nơi bãi sú vẹt ấy. Họ bắt cua, bắt ốc và đào bông thùa. Rảnh việc, có lần tôi đã đến xem một chị đàn bà đào bông thùa. Chị dùng chiếc cuốc nhỏ, ngắn cán đào lật bùn (bùn pha cát, se, không nhão), những con bông thùa đang ẩn nấp ở đấy. Nhưng không nhiều. Có khi cuốc vài nhát mới tìm thấy một con. Lại có những nhát cuốc không may, bập đứt chúng, những con bị đứt không lấy được, phải bỏ. Gần một buổi hùi hụi như thế, mớ bông thùa chị đào được chỉ chừng 6-7 lạng. Nhưng có nhẽ cũng có nơi bông thùa nhiều hơn.

Tôi đã gặp ở chợ chiều Hà Cối (huyện Hải Hà), có một dãy dài người ta rặt bán bông thùa, hàng rổ, mỗi rổ phỏng phải gần chục cân. Lại gặp một chị ở đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), trời tối hũm, vai vác cuốc, tay xách cái rổ nhỏ đựng khoảng 2 cân bông thùa mới đào được. Chị bảo làm chiều về mới tranh thủ đi đào “về làm bữa tối!”.

Với món bông thùa, trước tiên phải rửa chúng thật sạch, sau đó dùng đầu đũa nhỏ lộn trái chúng ra, bóc hết nội tạng và rửa lại nhiều lần cho hết đất cát. Vì thế, từ một mớ bông thùa chưa làm tưởng nhiều, nay chúng chỉ còn một nhúm. Một mớ bông thùa 6-7 lạng của chị nọ làm sạch rồi cũng chỉ còn một nhúm, khéo bán thì được mươi món ăn  mười lăm ngàn.

Bây giờ ở chợ, người bán bông thùa sẵn sàng làm cho bạn, hoặc mua sẵn mớ bông thùa đã làm rồi. Tuy thế, về nhà cũng phải rửa kỹ lại mới có thể thổi nấu được. Bông thùa để cho một đĩa su hào xào không nhiều lắm, chỉ chừng một lạng hay lạng rưỡi. Hỏi sao không xào nhiều, vợ bảo xào nhiều mất ngon vì chúng làm cho món xào quá ngọt. Su hào gọt vỏ, rửa sạch, thái chỉ. Hành hoa rửa sạch, cắt khúc độ 2-3cm. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn, phi thơm hành củ băm nhỏ, đổ bông thùa vào xào to lửa, nêm chút gia vị, gần chín đổ ra đĩa.

Sau đó bắc lại chảo lên bếp, cho thêm chút dầu, phi thơm hành, đổ su hào vào xào to lửa, nêm gia vị, đảo nhanh tay, gần chín thì đổ bông thùa vào, trộn đều, để thêm ít phút, rắc hành hoa vào đảo đều, bắc ra, rắc hạt tiêu. Món Ăn nóng. Một đĩa su hào xào bông thùa thành phẩm chúng phải khô, không có nước, su hào ăn còn độ giòn, bông thùa không dai. Màu của đĩa thức ăn có màu trắng của su hào, màu xanh của hành hoa cắt khúc và màu thẫm của bông thùa xen lẫn nhau.

Su hào vốn đã có vị ngọt, khi xào với bông thùa, vị ngọt thêm mặn mòi hơn, nhưng không phải là vị ngọt của riêng su hào nữa, nó có vị ngọt của protein. Vợ tôi có lý khi bảo không nên nhiều bông thùa, bởi cái ngọt của chất đạm này nếu quá ra sẽ trở nên lợ. Bông thùa xào su hào hay tỏi cây, cần tây không phải ai cũng thích ăn. Chị vợ tôi hay xào món này cho chồng nhắm rượu hay cho lũ trẻ, nhưng chị thì không ăn. Hỏi duyên cớ, chị bảo nhìn con bông thùa cứ sờ sợ nên không ăn được. Ngược lại, vợ tôi thì rất thích, cả nhà ai cũng thích, cũng ăn được.

Theo dulichhalongquangninh

Bài viết liên quan