Availability Calendar

Tượng Đá An Kỳ Sinh

view 2384

Nằm ở độ cao hơn 900m, cách chùa Vân Tiêu 569m, trên một vùng đất phẳng và rộng giữa đường hành hương lên chùa Đồng có pho tượng đá lộ thể, đó là tượng An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) độc đáo, vừa như một khối đá tự nhiên vừa như có bàn tay con người tạo dựng, sừng sững trên núi cao mây phủ, tạo một không khí thần tiên cho không gian nơi này. Du khách thập phương thượng sơn những tưởng như đi trong cõi Tiên Phật.

Chuyện xưa kể rằng: vào thời Tần Thủy Hoàng (nửa cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên) ở làng Phù Hương đất Lạng Gia có người tên là An Kỳ Sinh thường đi chữa bệnh cho dân nghèo ở miền biển. Người đương thời gọi ông là "Thiên Tuế Ông". Khi Tần Thủy Hoàng đi Đông Du có mời ông đến nói chuyện y thuật và cho tặng phẩm. Ông mang tặng phẩm vua ban cúng vào đình làng Phụ Hương rồi đi. Ông men theo bờ biển đi mãi đến vùng núi Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) ở nước ta, thấy có nhiều cây thuốc quý, ông đắc ý ở lại hái lá cây luyện linh đan, làm thuốc cứu đời, dựng am cỏ để tu tiên   Khi mới đến Bạch Vân Sơn ông dựng am bào chế thuốc tại am Dược, sau chuyển lên khu vực dựng tượng đá hiện nay rồi mất ở đây. Tượng "người hóa đá" tự nhiên trên núi Yên Tử như phục mệnh trở về với sự trường tồn tĩnh lặng của đạo. Phải chăng phía bên kia của cái "vô thường" ta có thể hiểu nghĩa là "đá hóa người".

Người dân thờ bên tượng đá - Ảnh: Sưu tầm

 Sự giao lưu văn hóa từ thời Âu Lạc với nền văn hóa Trung Hoa trong lịch sử cổ đại diễn ra sớm hơn sự ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, điều đó lý giải cho việc An Kỳ Sinh như một thông điệp về sự khởi sinh, nơi tĩnh lặng, trường tồn. An (yên) nghĩa gốc là an định (yên lặng), Kỳ - nghĩa gốc lá cờ, kỳ đài (định giới hạn), Sinh - nghĩa gốc là sinh trưởng (sự sinh sôi như mầm cây mới nhú). Hợp nghĩa 3 chữ An Kỳ Sinh là sự khởi sinh nơi tĩnh lặng, trường tồn.   Vẻ đẹp huyền bí của tượng đá - Ảnh: Sưu tầm

Trước đây núi Yên Tử có tên là Bạch Vân Sơn, từ khi An Kỳ Sinh hiển đạo, đời sau lấy tên người đặt cho tên núi nên gọi là An Tử Sơn (Yên Tử Sơn). Quan hệ tới An Kỳ Sinh nay chỉ còn pho tượng đá cao 2,2m không kể phần bệ tượng. Tượng đá An Kỳ Sinh càng kỳ diệu bởi bàn tay gia công của nghệ nhân đã gắn linh hồn cho một phiến đá tự nhiên nhưng tài tình đến mức đã giữ cho pho tượng còn nguyên dáng dấp của một phiến đá trời sinh.   Thật lạ là trong khi đường leo núi, đoạn từ tháp 7 tầng đi lên chùa Đồng, đoạn nào cũng dốc, đá núi lởm chởm thì chỗ đặt tượng thờ An Kỳ Sinh lại bằng phẳng, mặc dù rộng chưa đầy 100m2. Một số người bán hàng ở đây cho biết, chỉ duy nhất ở đoạn này, trên hành trình lên chùa Đồng không bao giờ xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Khi đi qua đoạn này, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái chứ không tranh giành nhau như ở chùa dưới. 

Tượng đá được người dân giữ gìn với lòng thành kính - Ảnh: Sưu tầm

Người ta quan niệm, tượng An Kỳ Sinh là một pho tượng kỳ lạ nên ẩn chứa trong đó nhiều phép màu huyền bí. Bởi vậy, khi đến đây người đi chùa thường lấy một tờ tiền mới, chà lên mình tượng để cầu phúc, cầu sức khỏe và tài lộc. Cũng có người cho rằng tượng là hiện thân của Yên Kỳ Sinh - một vị đạo sỹ tinh thông bách bệnh, từng luyện nên linh đan trường sinh bất tử nên khi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa đã đến đây lập đàn cúng tế, xin cho bệnh tật tiêu tan, tai qua nạn khỏi đã rất linh ứng.   Một nơi rất linh thiêng - Ảnh: Sưu tầm

Người tu hành theo Đạo Phật hay theo Đạo Giáo khi đã đắc pháp có tuổi thọ sống ngang trời đất, đi vào cõi vĩnh hằng. Nơi tượng đá An Kỳ Sinh như là sự khở đầu bước vào ranh giới cõi thiêng liêng nhất trên đỉnh non thiêng Yên Tử.

Theo mytour