Availability Calendar

Lễ hội Đền Cửa Ông

view 7990

Cơ duyên đã đưa chúng tôi đến thăm viếng Đền Cửa Ông khi đi tour du lịch Hạ Long. Đang loay hoay tìm đường vì lúc này trời đã về đêm muộn, tôi gặp được một bác gái rất nhanh nhẹ và cũng đang chờ xe để về Đền. Vậy là chúng tôi nhiệt tình mời bác lên xe để đưa bác về tận nhà. 

Chặng đường trên xe còn lại cũng không quá xa nhưng cũng đủ để chúng tôi biết dăm ba câu chuyện về ngôi Đền thiêng này. Những câu chuyện ly kỳ, thần thoại tưởng như trong chuyện cổ tích chúng tôi được nghe qua giọng kể đầy nhiệt huyết và xởi lởi của bác giúp cho chặng đường của chúng tôi đi thấy thật gần…

Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông nằm trên địa bàn thuộc phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Khu di tích này đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng khu di tích lịch sử quốc gia và trở thành điểm du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn không chỉ của người dân Quảng Ninh mà của đông đảo du khách trong, ngoài nước khi đi du lịch Hạ Long. Ngôi đền được xây dựng thờ vị thần chính là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – một vị tướng tài ba của nhà Trần, người con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đã có công đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Từ sau năm 1288 đến khi qua đời, phần lớn thời gian Trần Quốc Tảng dành cho việc trấn giữ miền Đông Bắc tổ quốc. Vì những công lao to lớn đó, ông được vua Trần Anh Tông phong tước Hưng Nhượng Đại Vương. Những ngày cuối đời của ông và sự hình thành ngôi Đền, sử sách cũ kể lại như sau: “Ông ra Cửa Suốt được ba ngày thì trời nổi giông tố. Ông qua đời ở đó, thi hài trôi tới Vườn Nhãn (ngày 11/9/1311). Tục truyền rằng, đêm hôm ấy, mọi người trong vùng đều mơ thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề đứng ở đình làng nói rằng: “Ta là tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về Đồn cũ giữ yên dân nước”. Vua Trần thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng, nên truyền cho lập miếu thờ và phong là Thượng đẳng Phúc thần, cho 800 quan tiền công hàng năm để cúng tế hai mùa vào bậc Nhà nước”.

Đền Cửa Ông không chỉ mang lại giá trị lịch sử to lớn, mà còn có giá trị về nghệ thuật, văn hoá dân tộc đặc sắc. Toàn cảnh khu Đền được bố trí trên các ngọn đồi không cao lắm, đan xen, hài hòa dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên cảnh tĩnh mịch, hùng tráng, hoa mỹ nhưng trang nghiêm. Tất cả được xây bằng các loại vật liệu như: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung. Kiến trúc trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng. Phần trong nhà Đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, chắc, đẹp như: đinh, lim, trắc, gụ. Khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ… trên đó được khắc hoạ bằng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối và các hoa văn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy.v.v…

Trước cửa đền Cửa Ông là vịnh Bái Tử Long, một “rừng” đảo muôn hình, muôn vẻ nổi bật trên nền xanh biếc của nước biển. Nằm trong cảnh rừng, biển, núi non, sơn thuỷ hữu tình, vị trí ngôi Đền đã được người xưa ca tụng: “Nghìn trùng nước biếc buông tay áo. Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ”.

Đến với khu di tích đền Cửa Ông, du khách sẽ được tham quan 3 khu vực chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, được phân bố ở ba vị trí khác nhau theo chiều lên cao dần. Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; khu đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh… Đây là đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay. Hiện nay, đền Cửa Ông còn lưu giữ 34 pho tượng lớn nhỏ đã được các nghệ nhân chạm trổ công phu, với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật cao…

Đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng, con thứ ba của Trần Hưng Đạo cùng nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc và trấn ải vùng Đông Bắc. Đền còn thờ Hoàng Cầu, một tướng lĩnh người địa phương có công dẹp giặc. Lễ hội tưởng niệm công ơn tướng Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh.Vào mùa lễ hội, đền Cửa Ông nườm nượp du khách từ khắp mọi miền đất nước. Khách đến dự lễ hội có thể đi bằng đường bộ qua thành phố Hạ Long, cũng có thể đi bằng đường thủy ven vịnh Hạ Long, qua vịnh Bái Tử Long đến sát cửa đền Hạ.

Lễ hội đền Cửa Ông

Trước kia nhân dân ở địa phương có tổ chức ngày hội chính vào ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch. Lễ hội Hạ Long này được tổ chức linh đình gồm phần tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng. Kiệu được rước từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Đức Ông hoá trôi dạt vào…) và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông.

Hội lớn và kéo dài ở Quảng Ninh với lễ dâng hương và rước bài vị Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo (thời nhà Trần thế kỷ 13) từ đền Cửa Ông ra miếu vườn Nhãn, theo truyền thuyết là nơi đức Ông trôi dạt vào hóa thần, và quay về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông.

Đền Cửa Ông có tiếng linh thiêng từ khi mới chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt nên vào mùa lễ hội, du khách từ mọi miền đất kéo về dự hội rất đông, cũng là dịp tham quan cảnh đền ngắm 34 pho tượng đều là danh tướng của Trần Hưng Đạo, thăm các thắng cảnh lịch sử và thiên nhiên vùng biển Đông Bắc.

Du khách và người đi lễ hội đền Cửa Ông không chỉ chìm ngập vào không gian tín ngưỡng tôn vinh vị anh hùng có công với nước bằng tấm lòng thành kính mà còn được thụ một cảnh quang non nước, biển trời kỳ thú. Đền Cửa Ông gồm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng ở thế chân vạc vững chắc. Thời chiến tranh phá hoại của Mỹ, đền Trung và đền Hạ bị bom phá tơi bời. Đền Thượng nằm ở độ cao 100 m, hai bên là hai quả đồi nhỏ xinh xắn được thế phong thủy “Tả thanh long, Hữu bạch hổ”, phía sau là dãy núi Cẩm Phả, Mông Dương mờ xanh. Trong đền có 34 pho tượng cổ quý là tượng Hưng Đạo Vương, tượng Thánh Mẫu, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu… với đường nét trạm trổ tinh xảo, sống động. Đứng ở đền Thượng nhìn ra vịnh Bái Tử Long vô vàn hòn núi có hình thù kỳ vĩ, du khách như bị choáng ngợp trước cảnh thiên nhiên hùng diệu, dùng dằng nửa muốn bước chân đi nửa muốn ở lại.

Theo dulichhalong123

Bài viết liên quan