Dạng sinh thái áng, tùng là một dạng sinh thái nằm trong hệ sinh thái đất ướt. Dạng sinh thái này là một đặc thù của Vịnh Hạ Long cũng như Vịnh Bái Tử Long và khu vực Cát Bà...
Theo định nghĩa của các nhà khoa học của Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng, “áng” là các hồ chứa nước karst - vùng núi đá vôi, nằm giữa các đảo, còn “tùng” là các vụng nước có một cửa tương đối lớn thông với vịnh, nước được lưu thông, nhưng tương đối kín, độ trong cao, sóng ít.
Xem Thêm: KHU DU LỊCH - KHÁCH SẠN TẠI BÃI CHÁY
Những áng, hồ như Mê Cung không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn có hệ sinh thái phong phú.
Áng, tùng - thực chất là những giếng (hoặc phễu), hồ bị ngập nước biển, với hình thái khép kín hoặc thông với biển qua hang ngầm, được hình thành do quá trình bào mòn, phong hoá của tự nhiên. Theo khảo sát của các nhà khoa học, trên khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và Cát Bà có tổng cộng 62 áng và 57 tùng. Tổng diện tích của 62 áng là 289,4ha, của 57 tùng là 1.186,2ha.
San hô dưới lòng hồ
Các áng thường có đặc điểm sinh thái là chất đáy được cấu tạo bởi cát hoặc cát pha sỏi và vỏ sinh vật, độ sâu từ 1,5-4m, trong suốt đến đáy. Theo thống kê của các nhà khoa học, hệ sinh vật của các áng có 66 loài, bao gồm 21 loài rong, 37 loài động vật nhuyễn thể, 8 loài giáp xác và một số loài san hô. Trong đó có một số loài quý hiếm như trai ngọc, vẹm xanh, con sút, sò, rong guột...
Cây phát dụ cổ thụ ngàn năm ở trên đỉnh núi thuộc khu sinh thái hồ Mê Cung
Với tùng, đặc điểm sinh thái chung là có chất đáy dạng cứng, độ trong có thể đạt 2m. Tuỳ từng mỗi tùng mà số loài sinh vật khác nhau, tập trung ở 3 nhóm san hô, động vật đáy và rong biển. Trong các tùng đều tìm thấy các loài đặc sản như tu hài, ghẹ, sò huyết, sò lông, trai ngọc… Trong các tùng, các nhà khoa học còn tìm thấy 4 loài sinh vật quí hiếm như ốc đụn đực, ốc đụn cái, trai ngọc môi đen và con sút. 4 loài này đã được ghi nhận là động vật cần được bảo vệ trong Sách Đỏ.
Tu Hài - món ngon Quảng Ninh
Điều lý thú là bên cạnh sự đặc sắc, phong phú và đa dạng sinh vật mang tính đặc trưng, các nghiên cứu khoa học còn cho thấy những thay đổi cơ bản về thành phần giống, loài trong áng, tùng của khu vực Hạ Long - Cát Bà giữa các mùa với số loài ưu thế khác nhau. Vì vậy, các áng, tùng có thể coi như là một phòng thí nghiệm tự nhiên vô cùng giá trị, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều này sẽ là một lý thú đặc biệt cho các nhà nghiên cứu sinh vật biển.
Có thể nói, áng, tùng không những góp phần làm đa dạng sinh thái của Vịnh Hạ Long mà còn làm tăng giá trị cảnh quan vào loại bậc nhất nhì của di sản. Đó là một giá trị tuyệt hảo của hệ sinh thái đất ướt của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và khu vực Cát Bà - nơi đang được TP Hải Phòng xúc tiến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Mặc dù vậy, việc khai thác những giá trị của áng, tùng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, đặc biệt về du lịch. Những áng, hồ nổi tiếng như: Mê Cung, Ba Hầm, Bù Xám... có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khu hệ sinh vật phong phú, nhưng rất ít du khách biết và chưa có điều kiện tổ chức cho du khách đến tham quan…
Hồ Ba Hầm
Rõ ràng, với tiềm năng đa dạng của di sản Hạ Long, việc phát triển những loại hình dịch vụ du lịch mới là hết sức khả quan, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghiên cứu, thám hiểm. Trong khi chờ “đánh thức” tiềm năng, thiết nghĩ các giá trị khoa học của áng, tùng rất cần được các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm bảo tồn trong tổng thể các giá trị đa dạng sinh học của Di sản - kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long.
Theo mytour