Availability Calendar

5 món ăn không thể bỏ qua khi đến Hạ Long

view 1299

Hạ Long là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ không chỉ đối với riêng đất nước Việt Nam mà cho cả thế giới,là nơi thu hút nhiều du khách đi du lịch mùa hè ở Việt Nam.Từ trên cao nhìn xuống, du lịch Hạ Long Quảng Ninh như một bức tranh hoàn toàn sống động với muôn hình dáng vẻ lung linh huyền ảo. Thả hồn mình với sóng nước mênh mông cùng với cảnh vật xung quanh ta ngỡ như đang lạc vào một thế giới thần tiên. Một thế giới mà không phải ai cũng có thể đặt chân đến. Một lần đặt chân đến đây là một lần cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long, hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

1. Nem chua và Canh hà Quảng Yên

Nem chua Quảng Yên có thể sánh cùng nem chạo Thanh Hoá. Song mỗi nơi lại có hương vị riêng. Còn Canh hà Quảng Yên thì không đâu có. Đặc biệt là giống hà còn sống ở dòng sông Chanh.

 Đây là dòng sông cửa biển, có sự giao hoà giữa nước ngọt từ đồng bằng ra hoà với nước mặn của biển Hạ Long.Hà sông Chanh đem nấu canh chua ăn rất ngon và có cả bốn mùa, nhưng thú vị nhất vẫn là được ăn vào những ngày hè nóng bức.

 2. Sái Sùng rang – mồi xào 

Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại hải sản đặc biệt, được gọi là sái sùng (hay sá sùng), tiếng Hán Việt gọi là sá trùng (con sâu cát), dân địa phương gọi là con mồi.

Xứ sở của sái sùng là vùng bờ biển huyện đảo Vân Hải, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn. Sái sùng sống trong các bãi cát có nước triều lên xuống. Khi nước triều xuống, người dân địa phương ra đào. Người đào sái sùng đòi hỏi có kinh nghiệm, có kỹ thuật, động tác điệu nghệ như người nghệ sỹ múa trên cát. Sái sùng đào được đem xào với tỏi tươi ăn rất ngon, một món ăn dân dã đặc sắc mà người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào.

 Sái sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sái sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt.

 3. Tôm hấp

 Đi du lịch Hạ Long, du khách sẽ thấy có nhiều loại tôm: tôm he, tôm hùm, tôm dảo, tôm sắt,… nhưng quí nhất vẫn là tôm he, tôm hùm.

Tôm hùm có vỏ cứng, đôi càng to khoẻ trông rất dữ tợn, bởi vậy có tên là tôm hùm (chúa tể của các loài tôm). Vỏ tôm hùm thường làm vật trang trí trong các khách sạn, nhà hàng, trong các gia đình ngư dân vùng biển Hạ Long. Còn tôm he có vỏ mềm hơn, thường được chọn làm đặc sản trong các bữa tiệc.

Có hai cách chế biến tôm he đó là tôm hấp và tôm tẩm bột rán. Nhưng tôm hấp được ưa chuộng bởi vẫn giữ được hương vị đậm đà của biển. Tôm he khi còn sống có màu xanh, cái mác trên đầu tôm rất sắc và nhọn. Khi đem chế biến người ta phải bắt tôm rất cẩn thận, sả nước sạch rồi hấp sao cho càng tôm không bị rụng. Tôm hấp xong chuyển sang màu hồng. Trên bàn tiệc có đĩa tôm hấp màu hồng, bên cạnh có đĩa hành trần củ trắng tinh, dọc hành và rau thơm màu xanh, nước mắm có ớt màu đỏ tạo nên một bức tranh tĩnh vật trông thật đẹp mắt và hấp dẫn.

4. Rượu ngán Hạ Long 

Ngán luộc, ngán nướng, người ta có thể ăn ngay cũng rất ngon, nhưng khi đem pha chế thành rượu ngán thì sẽ trở thành một thứ đồ uống tuyệt hảo.

Rượu ngán có mùi thơm, một mùi thơm khó tả rất riêng của biển. Cái thú vị khi uống rượu ngán là được tự tay điều chế. Một ly rượu ngán chuẩn phải có màu hồng, có vị hơi mằn mặn, chan chát, có mùi thơm thì mới đúng là rượu ngán Hạ Long. 

Uống rượu ngán Hạ Long ăn tôm hấp, sò huyết, ghẹ luộc, cá nướng, chả mực, hay bất kỳ một thứ hải sản nào cũng đều rất hợp.

5. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ

Rượu được chế tạo từ loại gạo nếp đặc sản của địa phương. Gạo nếp không giã, được nấu chín đưa vào ủ. Khi đã lên men và đến độ ngấu thì người ta cho vào ngâm cùng với thứ men lá lấy từ trong rừng Hoành Bồ, sau một thời gian chuyển thành rượu. Rượu được chắt ra đựng trong hũ, lọ để uống dần, mỗi bữa một vài chén.

Khi có khách thì mang cả hũ ra đãi. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ có vị chua ngòn ngọt, có tác dụng kích thích tiêu hoá, giải khát rất tốt, nhất là vào mùa hè. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ vốn dễ uống, có độ nhẹ nhàng, nên nhiều người cho là không thể say được. Nhưng khi uống quá nhiều thì bị say li bì, có khi phải 2-3 ngày mới tỉnh. Ưu điểm là khi tỉnh rượu không bị đau đầu, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, trong người vẫn thấy khoẻ và lần sau lại muốn được uống tiếp.

Thú vị nhất khi uống rượu nếp ngâm Hoành Bồ là khi đi thuyền trên hồ Yên Lập, ăn cá trắm hoặc cá chép được đánh bắt ngay tại hồ và được ngắm nhìn thưởng thức cảnh đẹp nên thơ của thiên nhiên kỳ thú.